Cổng thông tin điện tử huyện Hậu Lộc
Hoàn thiện chính sách và giải pháp để giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020

Đã từ lâu tín dụng chính sách cho hộ nghèo là trụ cột trong tổng thể các chính sách giảm nghèo tại Việt Nam. Và nếu hiểu một cách đơn giản, thì tín dụng chính sách là công cụ để cụ thể hóa cách tiếp cận cho “cần câu” chứ không cho con cá, thay vì cho không người nghèo hãy cho họ vay để sản xuất và khi hết khoản vay, họ đã có một cái nền sản xuất để từ đó đi lên bền vững

1. Tín dụng chính sách cho hộ nghèo là trụ cột trong tổng thể các chính sách giảm nghèo tại Việt Nam

Đã từ lâu tín dụng chính sách cho hộ nghèo là trụ cột trong tổng thể các chính sách giảm nghèo tại Việt Nam. Và nếu hiểu một cách đơn giản, thì tín dụng chính sách là công cụ để cụ thể hóa cách tiếp cận cho “cần câu” chứ không cho con cá, thay vì cho không người nghèo hãy cho họ vay để sản xuất và khi hết khoản vay, họ đã có một cái nền sản xuất để từ đó đi lên bền vững.

Điều đó được khẳng định, trong hơn 12 năm vừa qua, Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) đã huy động được nguồn lực tài chính gần 140 ngàn tỷ đồng, để cho trên 25,5 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn xóa đói giảm nghèo. Tổng doanh số cho vay trên 285 ngàn tỷ đồng. Vốn tín dụng đã góp phần giúp trên 3,6 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo. Thu hút, tạo việc làm cho trên 11 triệu lao động; giúp trên 3,5 triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 6 triệu công trình cung cấp nước sạch, công trình nhà tiêu hợp vệ sinh ở nông thôn, gần 700 nhà chòi tránh lũ cho hộ nghèo ở 7 tỉnh Miền trung, trên 102 ngàn căn nhà vượt lũ cho hộ gia đình vùng Đồng bằng sông Cửu long và Tây nguyên, gần 484 ngàn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách chưa có nhà ở trên toàn quốc. Đến nay, theo Quyết định mới nhất của Thủ tướng Chính phủ, kể từ ngày 5/6/2015, lãi suất cho vay hộ nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay đối tượng chính sách đi lao động ở nước ngoài đã giảm từ 7,2%/năm xuống còn 6,6%/năm, một lãi suất khá ưu đãi.

Xóa đói giảm nghèo (XĐGN) là một chủ trương lớn, một quyết sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Với kết quả tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh xuống còn 5,8% vào cuối năm 2014, Việt Nam được coi là một trong những nước thành công về quá trình phát triển kinh tế và giảm nghèo. Bởi chỉ trong vòng 30 năm, kể từ năm 1986, Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới với thu nhập bình quân đầu người dưới 100 đô la Mỹ đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp kể từ năm 2013. Ngân hàng Thế giới cũng như nhiều nước và tổ chức quốc tế khác cũng đánh giá cao, coi Việt Nam là “một điểm sáng thành công” trong xóa đói giảm nghèo. Việt Nam đã được Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) đã tổ chức “Công nhận thành tích nổi bật trong đấu tranh xóa đói giảm nghèo” cho 38 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam cũng nằm trong nhóm 18 quốc gia được trao bằng khen chứng nhận việc sớm đạt được Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ 1 (MDG 1) - hướng tới mục tiêu giảm một nửa số người bị đói vào năm 2015. Có thể nói, Chiến lược toàn diện về tăng trưởng, xóa đói giảm nghèo tại Việt Nam là đúng đắn, hợp lòng dân, phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Mặc dù kinh tế đất nước còn không ít khó khăn nhưng Đảng, Chính phủ luôn coi công tác giảm nghèo là một trong những mục tiêu quan trọng. An sinh xã hội và giảm nghèo luôn là một trong những lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong hoạt động của Chính phủ những năm qua. Thành tựu có được trong xóa đói giảm nghèo là nhờ nỗ lực chung của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp, các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội và các cá nhân. Đặc biệt là vai trò của NHCSXH - đơn vị đưa tín dụng chính sách đến với người nghèo và các đối tượng chính sách. Nỗ lực của NHCSXH trong những năm qua đã góp phần không nhỏ đưa người dân vượt qua ngưỡng nghèo, được coi là “điểm sáng” trong hệ thống chính sách giảm nghèo.  

Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2014, tỷ lệ nghèo bình quân của 64 huyện nghèo còn cao gấp 5,5 lần so với tỷ lệ bình quân của cả nước; một số huyện có tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao trên 50%, cá biệt có huyện cao trên 60% - 70%; kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng tỷ lệ hộ cận nghèo lại tăng; số hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm hơn 90% tổng số hộ nghèo chung tại các huyện nghèo (do trên địa bàn chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số); hệ thống cơ sở hạ tầng đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng nhu cầu của người dân và địa phương, cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động chuyển dịch chậm.

Để khắc phục vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách. Tập trung rà soát để loại bỏ những chính sách trùng lắp, không hiệu quả. Bổ sung những chính sách cần thiết; trong đó có hoàn thiện, bổ sung chính sách hỗ trợ đồng bào ở các huyện nghèo phát triển sản xuất, chăn nuôi; hoàn thiện cơ chế chính sách để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các huyện khó khăn cũng như khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiêu thụ các sản phẩm.

Có thể khẳng định, mô hình hoạt động của NHCSXH có những điểm đặc biệt phù hợp với hoàn cảnh xã hội Việt Nam, vì mô hình này dựa trên và củng cố thêm mối quan hệ chặt chẽ giữa NHCSXH với cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến địa phương, gắn bó với người dân thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Cách thức cho vay của NHCSXH là ủy thác một số nội dung công việc qua các tổ chức chính trị - xã hội như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên. Cách làm này chỉ ở Việt Nam mới có và đã chứng minh được hiệu quả qua những kết quả hoạt động của ngân hàng, cán bộ tín dụng không những nâng cao được vai trò trách nhiệm của mình mà cán bộ hội, đoàn thể ở cơ sở cùng vào cuộc, phát huy được thế mạnh trong công tác dân vận, kiểm tra giám sát việc sử dụng nguồn vốn vay. Vì thế, có thể nói cán bộ ngân hàng chính sách “mang tiền Chính phủ cho bản làng vay đủ” là mô hình đặc biệt phù hợp với hoàn cảnh xã hội Việt Nam.

2. Những bất cập, thách thức cho giảm nghèo bền vững trong tương lai

Theo dõi nhiều năm, tôi thấy rằng giai đoạn vừa qua chúng ta tập trung XĐGN cơ bản theo chiều rộng với quy mô toàn quốc do đó đã đáp ứng được yêu cầu giảm nghèo nhanh nhưng chưa thật bền vững, tỷ lệ tái nghèo cũng tăng nhanh, cận nghèo cũng chiếm một tỷ lệ khá lớn có nơi tương đương với hộ nghèo. Nguyên nhân của bất cập này cũng rất dễ hiểu là quy mô lớn, diện bao phủ rộng, tốc độ giảm nghèo nhanh thì cũng khó đạt được yêu cầu bền vững. Bởi vì, nguồn lực của chúng ta còn hạn chế chưa thể đáp ứng được nhu cầu, trong điều kiện nền tảng kinh tế- xã hội cơ sở vật chất của chúng ta còn ở mức thấp. Trong khi mức vay vốn ưu đãi tại NHCSXH để tái đầu tư mở rộng sản xuất, tăng thu nhập, đặc biệt là tại một số xã có điều kiện KT - XH khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Một bộ phận hộ nghèo sau khi thoát nghèo, do không được tiếp tục hưởng chính sách ưu đãi để duy trì sản xuất, cũng cố năng lực nên thoát nghèo chưa bền vững.

Theo tổng hợp kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo cuối năm 2014 của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội được nêu tại Công văn số 102/CV-VPQGGN ngày 13/5/2015, cả nước có trên 520 ngàn hộ mới thoát nghèo, trong đó có khoảng 172 ngàn hộ thoát qua chuẩn hộ cận nghèo; trên 526 ngàn hộ cận nghèo đã có thu nhập vượt qua chuẩn hộ cận nghèo. Như vậy, với quy định về đối tượng thụ hưởng chính sách thì cả nước hiện có gần 700 ngàn hộ mới thoát nghèo thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi chương trình này. Điều đó cho thấy, quy mô hộ cần vay vốn là rất cao trong khi nguồn lực là có hạn vànhững đối tượng này rất dễ tái nghèo.

3. Giải pháp và chính sách bổ sung để giảm nghèo bền vững

Quan điểm của tôi, để giảm nghèo bền vững, tín dụng là quan trọng nhưng chỉ là điều kiện cần, chưa đủ. Chúng ta phải có các chính sách bổ sung phù hợp, giải pháp cụ thể, chỉ đạo quyết liệt và phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, sự vươn lên của cả bản thân hộ nghèo. Phải coi công tác giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Là một tiêu chí đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền. Các Bộ, ngành, địa phương phải quán triệt và nhận thức sâu sắc ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác giảm nghèo trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của đất nước, là giá trị nhân văn cốt lõi của thế giới ngày nay khi mà Liên Hợp Quốc đã xác định là 1 trong 8 tiêu chí thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ.

Trên quan điểm đó, Chúng ta phải tập trung rà soát chính sách để loại bỏ những chính sách lạc hậu, không còn phù hợp và bổ sung những chính sách mới, phù hợp. Các chính sách sửa đổi, bổ sung phải hướng vào hỗ trợ hộ nghèo, hỗ trợ vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo 2 hướng là hỗ trợ sản xuất và hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Về hỗ trợ sản xuất, tập trung vào hỗ trợ cho sản xuất trồng cây lương thực, cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc; giao đất, giao rừng cho người dân gắn với phát triển và bảo vệ rừng, điều chỉnh các chính sách về giữ rừng, bảo vệ rừng; hỗ trợ lương thực, giống, khuyến nông, đào tạo nghề, lãi suất cho vay phát triển sản xuất; hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn khó khăn và thu hút lao động tại chỗ gắn với hỗ trợ đào tạo nghề thông qua doanh nghiệp. Bổ sung đối tượng vay vốn thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững cho các doanh nghiệp xã hội để thu hút lao động thuộc các hộ nghèo có việc làm khi họ không có khả năng vay vốn tự sản xuất kinh doanh. Về tiếp cận các dịch vụ cơ bản, trên cơ sở xác định lại chuẩn nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều, sẽ thực hiện hỗ trợ tập trung vào các dịch vụ xã hội cơ bản như nhà ở, nước sạch, bảo hiểm y tế, giáo dục, tiếp cận thông tin, đầu tư hạ tầng.

Để phát huy sức mạnh tổng hợp và kết hợp xã hội hóa trong chương trình giảm nghèo bền vững, các địa phương cũng phải tiết kiệm chi để bố trí thêm cho chương trình giảm nghèo của địa phương. Bên cạnh đó, cần huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của các tổ chức chính trị-xã hội, doanh nghiệp, cộng đồng; khuyến khích nỗ lực vươn lên của người nghèo, hộ nghèo. Cùng với quyết định của Chính phủ tăng thêm dư nợ tín dụng người nghèo lên 10% là cơ sở để tăng mức hỗ trợ tín dụng chính sách và mở rộng đối tượng hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo làm kinh tế. Đây chính là “cần câu” giúp hộ nghèo có phương tiện thoát nghèo bền vững. Điều đó nói lên, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm đến giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội,...

Chính phủ cần ban hành chính sách cho hộ mới thoát nghèo tiếp tục được vay vốn tín dụng ưu đãi tại NHCSXH để các hộ này có cơ hội thoát nghèo bền vững. Quốc hội cũng đã nhận được ý kiến kiến nghị của cử tri cả nước về vấn đề này. Đồng thời, qua giám sát chúng tôi rất hoan nghênh và khuyến khích cách làm sáng tạo của các địa phương nếu hộ gia đình nào có cam kết vay vốn để thoát ngèo bền vững trong một thời gian nhất định thì được vay theo yêu cầu để tạo sự chủ động phát huy năng lực tự vươn lên thoát nghèo bền vững. 

Xác định tín dụng ưu đãi để giảm nghèo là một trong những trụ cột trong hệ thống chính sách giảm nghèo, vì vậy NHCSXH phải thường xuyên nghiên cứu đề xuất những giải pháp cụ thể để điều chỉnh đối tượng, mức vay, lãi suất và thời hạn cho vay linh hoạt đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Trong đó, tập trung ưu tiên cho vay ở các vùng đặc biệt khó khăn để có thể từng bước tháo gỡ và giải quyết những vướng mắc, khó khăn.

Ngoài ra, Chính phủ cần  tiến hành tổng kết, đánh giá chương trình giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2015 và xây dựng Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 với những tiêu chuẩn, tiêu chí cao hơn, gắn với việc xây dựng, ban hành và thực hiện chuẩn nghèo mới. Đồng thời, sớm hoàn thiện các văn bản pháp luật để tổ chức triển khai thực hiện thống nhất trong toàn quốc. Các ngành các cấp tập trung nghiên cứu, rà soát cải cách thủ tục hành chính để chính sách của Nhà nước được thực thi hiệu quả. Cấp ủy, chính quyền địa phương cần chủ động hơn nữa để hỗ trợ, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ nhanh hơn với thủ tục đơn giản hơn. Phối hợp với NHCSXH xác định giải ngân nguồn vốn vay ưu đãi đúng đối tượng, phù hợp với nhu cầu của hộ vay, từ đó sẽ phát huy được hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội. Bên cạnh đó, tăng cường sự lãnh đạo của các tổ chức cơ sở Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; tập trung huy động vốn, tăng trưởng nguồn vốn phục vụ nhanh nhất, hiệu quả nhất người nghèo và các đối tượng chính sách khá.

                                                                 TS. Bùi Sỹ - Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ QUẢNG LONG - HUYỆN QUẢNG XƯƠNG

Chịu trách nhiệm: Lê Bá Hùng- Chủ tịch UBND xã

Địa chỉ: xã Quảng Long, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa

Số điện thoại: 0964388368

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa